Trang chủ » » News » AI & Robotics

AI & Robotics

Rô-bốt tham chiến: Ưu thế của số lượng

Công nghệ rô-bốt số lượng lớn có giá thành thấp có thể được điều khiển ở quy mô khổng lồ chỉ bởi một số lượng nhỏ người điều khiển
Rô-bốt tham chiến: Ưu thế của số lượng
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã phát động tìm kiếm một “chiến lược bù đắp lần thứ ba”, một cách tiếp cận mới với mục tiêu duy trì sự siêu việt về công nghệ kỹ thuật quân sự của nước Mỹ, nhằm chống lại các đối thủ tiềm năng. Tuy nhiên, vì một số lý do, chiến lược lần này có phần khác biệt so với hai lần trước đó. Ngay cả cách sử dụng thuật ngữ “bù đắp” cũng chưa hẳn đã chính xác. Hai chiến lược đầu tiên nhắm đến việc “bù đắp” cho quân đội Hoa Kỳ trước lợi thế về số lượng vũ khí quy ước của Liên Xô tại châu Âu, đầu tiên là bằng vũ khí hạt nhân và sau đó là các vũ khí được cung cấp thông tin với độ chính xác cao (information-enabled precision-strike weapons). Nhưng trong lần này có thể chính Hoa Kỳ sẽ mang lợi thế số lượng vào trận chiến.

Các hệ thống không người lái và tự hành có khả năng sẽ đảo ngược xu thế tăng giá thành – giảm số lượng (vũ khí – ND), vốn đã tồn tại suốt hằng thập kỷ nay, cho phép quân đội Hoa Kỳ điều động một lượng khí tài lớn hơn với một mức giá phải chăng. Hệ quả là, thay vì “bù đắp” để đối phó với giả định ban đầu về lợi thế liên quan tới số lượng vũ khí của đối phương, Hoa Kỳ thậm chí có thể đáp trả với công nghệ tiên tiến hơn và số lượng khủng khiếp hơn.

Giá trị của số lượng
Hoa Kỳ đã sản xuất số lượng vũ khí áp đảo so với các đối thủ của mình trong Thế chiến thứ hai. Tính đến năm 1944, Hoa Kỳ và Phe Đồng minh đã sản xuất được hơn 51.000 xe tăng trong một năm (so với Đức chỉ có 17.800) và hơn 167.000 máy bay trong một năm (trong khi tổng số máy bay toàn bộ Phe Trục sản xuất chỉ là 68.000). Mặc dù chất lượng của nhiều loại xe tăng và máy bay của Đức vượt trội hơn, điều này cũng không đủ bù đắp cho nước Đức trước các đợt tấn công không ngừng nghỉ của phe Đồng Minh. Trong tác phẩm Sự Hưng thịnh và suy vong của các Cường quốc (The Rise and Fall of Great Powers), Paul Kennedy có viết:

…cho tới những năm 1943-1944, nước Mỹ có thể đóng một tàu chiến mỗi ngày và lắp ráp một máy bay mỗi 5 phút!…Dẫu cho Wehrmacht (Quân đội Đức – ND) có tổ chức các cuộc phản công chiến thuật đầy thiện chiến trên cả hai mặt trận Đông và Tây cho đến tận những tháng cuối cùng của cuộc chiến, mọi thứ đã được xác định từ đầu rằng họ sẽ bị áp đảo hoàn toàn bởi hỏa lực khổng lồ của phe Đồng Minh.

Chiến lược này đã thay đổi trong Chiến tranh Lạnh. Hoa Kỳ ngay lập tức bắt đầu phụ thuộc vào kho vũ khí hạt nhân để đối phó với kho vũ khí quy ước đang ngày một “phình to” của Liên Xô tại châu Âu. Đây là “chiến lược bù đắp” lần thứ nhất. Đến những năm 1970, Liên Xô đã đạt được đến mức áp đảo ba-chọi-một khi đối đầu với các lực lượng vũ khí quy ước của NATO và gần như ngang bằng về số lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Để đáp lại thách thức này, quân đội Hoa Kỳ đã áp dụng “chiến lược bù đắp” lần thứ hai, chống lại các lợi thế về mặt số lượng của Liên Xô bằng cách tận dụng sự ưu việt về chất lượng của vũ khí Hoa Kỳ, như: khả năng tàng hình, các hệ thống cảm biến tiên tiến, hệ thống chỉ huy và kiểm soát, vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao.

Toàn bộ hiệu quả của những vũ khí này đã được mục sở thị vào năm 1991, khi Hoa Kỳ đối đầu với lực lượng của Saddam Hussein vốn được trang bị vũ khí của Liên Xô. Tỉ lệ thương vong giữa hai phe trong Chiến tranh vùng Vịnh chênh lệch khủng khiếp khi phải đến 30 binh lính Iraq thiệt mạng thì mới có 1 binh sĩ Mỹ tử trận. Trước lực lượng không quân có độ chính xác cao của Hoa Kỳ, quân đội Iraq bị áp đảo đến mức Nhà Trắng cuối cùng buộc phải kết thúc cuộc chiến sớm hơn dự kiến. Những hình ảnh về “đường cao tốc tử thần” được truyền thông đăng tải tạo nên hình ảnh các lực lượng Hoa Kỳ đang “trừng phạt kẻ bại trận một cách tàn độc và không cần thiết”, theo lời của Chỉ huy Không quân trong Cuộc chiến Vùng Vịnh tướng Chuck Horner. Vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao, cộng với những thiết bị cảm ứng giúp xác định mục tiêu và các mạng lưới giúp kết nối các thiết bị cảm ứng và người bắn, tất cả đã giúp lực lượng quân đội Hoa Kỳ, được trang bị đầy đủ thông tin cần thiết, đập tan quân đội Iraq chỉ được trang bị các khí tài không có thiết bị dẫn đường.

Điều gì sẽ xảy ra khi các quốc gia khác cũng có vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao?
Quá trình phổ biến các loại vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao đến các quốc gia đối địch đang làm thay đổi cán cân, khiến yếu tố số lượng lại được mang ra cân nhắc. Quân đội Hoa Kỳ trong các cuộc chiến tranh tương lai có thể sẽ phải đương đầu với kẻ thù được trang bị vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao. Cùng lúc đó, mức giá đang gia tăng cao hơn bao giờ hết của các hệ thống vũ khí đang đẩy số lượng vũ khí của quân đội suy giảm ngày một nhiều hơn, khiến cho các quốc gia đối địch khó có thể tìm thấy được một mục tiêu khả dĩ để có thể tấn công bằng tên lửa. Các hệ thống vũ khí của Hoa Kỳ có thể vượt trội về chất lượng, nhưng lại không phải là “bất khả xâm phạm”. Nếu kẻ địch phóng tên lửa liên tiếp, hệ thống phòng thủ của các tàu chiến và sân bay quân sự Hoa Kỳ có thể sẽ bị áp đảo. Kể cả khi các hệ thống phòng thủ tên lửa, về mặt lý thuyết, có thể ngăn chặn tên lửa của đối phương, thì sự chênh lệch về mức giá giữa tên lửa tấn công và tên lửa đánh chặn vẫn tạo ra lợi thế nghiêng về kẻ tấn công. Điều này đồng nghĩa rằng đối thủ của Hoa Kỳ chỉ cần mua thật nhiều tên lửa để có thể đè bẹp hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ.

Bầy đàn
Các hệ thống không người lái đã tạo ra một mô thức khác, với khả năng thu giảm các hệ thống đa nhiệm tốn kém để trở thành một số lượng lớn các hệ thống khí tài nhỏ hơn, với giá thành thấp hơn. Những hệ thống không người lái có thể được sản xuất với số lượng lớn là vì chúng có khả năng chịu đựng những rủi ro lớn hơn (vì không hy sinh mạng người – ND), với giá thấp hơn và có thể chịu đựng hao mòn – hoặc chấp nhận rủi ro bị tiêu hao. Kết hợp với khả năng tự hành tùy mục tiêu tác chiến (mission-level autonomy) và công nghệ kiểm soát đa thiết bị (multi-vehicle control), công nghệ rô-bốt số lượng lớn có giá thành thấp có thể được điều khiển ở quy mô khổng lồ chỉ bởi một số lượng nhỏ người điều khiển.

Sử dụng một số lượng lớn các phương tiện không người lái có các lợi thế tiềm năng như:
Hỏa lực có thể được phân tán, khiến cho đối phương phải đối phó với nhiều mục tiêu hơn, buộc kẻ thù phải tiêu phí nhiều đạn dược hơn.

“Tuổi thọ” của hệ thống khí tài được thay thế bằng sự áp đảo về số lượng hay còn được gọi bằng thuật ngữ “bầy đàn dẻo dai” (swarm resiliency). Các đơn vị khí tài đơn lẻ không nhất thiết cần phải sống sót trong một cuộc chiến nếu như vẫn còn một số lượng lớn các đơn vị vũ khí khác. Sự áp đảo về số lượng tạo nên sức kháng cự hiệu quả trước các đợt tấn công.

Lợi thế về số lượng cũng cho phép một sự “tiêu hao chấp nhận được” (graceful degradation) về sức tấn công khi một đơn vị khí tài đơn lẻ bị tiêu diệt. Điều này trái ngược hoàn toàn với sự mất mát vô cùng lớn về sức tấn công khi một khí tài to lớn hơn và tốn kém hơn bị tiêu diệt.

Các đợt tấn công ồ ạt có thể làm “bội thực” hệ thống phòng thủ của kẻ địch. Hầu hết các hệ thống phòng thủ chỉ có thể đương đầu với một số lượng nhất định các cuộc tấn công trong cùng một lúc. Các hệ thống tên lửa có thể bị quá tải. Các loại súng chỉ có thể nhắm bắn một lần theo một hướng duy nhất. Ngay cả các hệ thống hỏa lực liên hoàn hoặc bán-liên-hoàn, có mức chi phí thấp cho mỗi lần bắn, như súng la-de năng lượng cao, cũng chỉ có thể bắn hạ một lần một mục tiêu. Những vũ khí này cũng cần một vài giây nhắm bắn rồi mới có thể triệu hạ mục tiêu của mình. Các đợt tấn công bằng đạn đạo có hệ thống dẫn đường, hoặc các phương tiện không người lái, có thể áp đảo hệ thống phòng ngự của kẻ địch bằng cách đánh vào các “lỗ hổng” trên và tiêu diệt mục tiêu.

Những lợi thế này có thể được diễn giải thành những cách tiếp cận mới, sáng tạo hơn trong phong cách sử dụng các hệ thống không người lái. Một số cách tiệp cận mới được đề cập dưới đây:

Hệ thống “Mồi phóng từ trên không cỡ nhỏ” (Miniature air-launched decoy – MALD) và “Mồi phóng – gây nhiễu từ trên không cỡ nhỏ” (Miniature air-lauched decoy-jammer – MALD-J) là các phương tiện bay giám sát không có cấu tạo như các loại đạn dược thông thường, nhưng cũng không phải là máy bay. Những hệ thống này mở ra tiềm năng cho các loại phương tiện bay giám sát không người lái cỡ nhỏ, hoặc các loại rô-bốt bay cơ động. MALD có chức năng như một “chim mồi” trên không nhằm đánh lạc hướng các hệ thống ra-đa của đối phương. Còn MALD-J lại có tác dụng làm nhiễu các hệ thống ra-đa. Các phương tiện bay không người lái tương tự trong tương lai, được phóng đi từ máy bay, tàu chiến hay tàu ngầm, đều có thể lấp kín lãnh thổ của đối phương với số lượng áp đảo bằng các hệ thống chi phí thấp và hoàn toàn có thể chấp nhận rủi ro bị tiêu tiệt. Giống như “những nhóm lính dù nhỏ” đột kích vào vùng kiểm soát của quân địch trong Ngày Phán xét (D-Day – ngày quân Đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandy trong Thế chiến thứ hai – ND), chiến thuật này có thể làm cho quân địch bối rối và trở nên rối loạn.

Sử dụng các loại vũ khí tấn công điện tử có thể tạo ra một dạng bão điện tử gây nhiễu, tạo ra mồi bẫy và các loại vi sóng năng lượng cao. Các phương tiện bay kích cỡ nhỏ có thể tự vận hành, bay trinh sát trên những tuyến đường nhằm tìm kiếm các hệ thống tên lửa di động, và một khi đã tìm thấy, truyền lại dữ liệu toạ độ cho người điều khiển để tấn công mục tiêu.

Những máy bay như vậy có kích thước nhỏ và cần phương tiện để có thể đưa chúng vào chiến trường. Đó có thể là tàu ngầm neo đậu ngoài khơi bờ biển của kẻ thù, các tàu tên lửa không người lái có thể xâm nhập bờ biển trước khi phóng “hàng”, các máy bay ném bom cỡ lớn hoặc máy bay chở hàng, hay thậm chí là những chiếc kén đặt dưới lòng biển được nhắc tới trong chương trình Hydra của DARPA.

Một cách tiếp cận tương tự có thể giúp Lục quân mở rộng sức mạnh tấn công trên đất liền. Lục quân Hoa Kỳ sở hữu hàng ngàn phương tiện chiến đấu trên bộ, ví dụ như HMMWVs (The High Mobility Multipurpose Wheeled Vehicle – hay được biết đến rộng rãi với cái tên Humvees – ND) và thiết giáp bọc thép chở quân M113 vốn sẽ không được sử dụng trong các cuộc chiến tranh trong tương lai do chúng không được trang bị các loại giáp nhằm bảo vệ người lính. Tuy nhiên, với chi phí rất thấp, khi đơn hàng chỉ khoảng vài chục ngàn đô-la một hệ thống, những phương tiện kể trên có thể được biến đổi để trở thành một hệ thống rô-bốt. Khi không có người điều khiển hay sử dụng, vấn đề thiếu giáp trụ không còn là mối bận tâm lớn.

Công việc này có thể thực hiện được thông qua sử dụng các gói kỹ thuật rô-bốt tuỳ chỉnh (robotic appliqué kits) – các bộ cảm biến hay hệ thống chỉ huy có khả năng chuyển đổi các phương tiện hiện có thành các hệ thống điều khiển từ xa hay tự vận hành. Các gói kỹ thuật này đã từng được sử dụng để chuyển đổi các phương tiện xây dựng trở thành những chiếc xe Bobcats (một loại phương tiện gỡ mìn điều khiển từ xa– ND) và xe ủi có khả năng chống các loại thiết bị nổ tự tạo.

Nếu được áp dụng trên các phương tiện hiện hành, các gói kỹ thuật rô-bốt tuỳ chỉnh có thể giúp cho Lục quân tạo ra được một lực lượng rô-bốt trên bộ khổng lồ với chi phí cực kỳ thấp. Một lực lượng thuần số lượng như vậy, và khả năng được tận dụng trong các nhiệm vụ tự sát hay tự hi sinh, sẽ biến đổi cách thức tiếp cận của Lục quân tới chiến tranh điều khiển học.

Các phương tiện không người lái trên bộ có thể trở thành một lực lượng tiên phong, cho phép rô-bốt đóng vai trò như là một phần của “các hoạt động tiếp cận mục tiêu” (movements to contact). Các phương tiện rô-bốt được sử dụng để dụ dỗ, thọc sườn, bao vây kẻ địch, hay áp dụng các chiến thuật nghi binh. Các phương tiện không người lái cũng có thể được thả dù bên trong lãnh thổ của kẻ địch để thực hiện các nhiệm vụ tự sát. Khi trinh sát tìm kiếm mục tiêu, chúng có thể được điều khiển bởi con người khi đối đầu trực diện với kẻ thù, hay gửi các thông số về toạ độ để quân đội tiến hành không kích hay hỗ trợ hoả lực.

Đó chỉ là một số khả năng mà việc sở hữu một lượng lớn các loại vũ khí không người lái có thể mang lại. Các khả năng này gia tăng chi phí về phía kẻ thù và tạo ra nhiều khái niệm tác chiến mới. Vẫn cần thiết phải tiến hành các thử nghiệm, cả trong môi trường giả lập tác chiến, lẫn trong chiến trường thật sự, để có thể nắm chắc hơn nữa cách thức mà các bên có thể triển khai một số lượng lớn các hệ thống rô-bốt chi phí thấp.

Và cũng tồn tại các vấn đề khác cần phải giải quyết. Các hệ thống rô-bốt vẫn cần được bảo trì, mặc dù có các biện pháp để có thể tối thiểu hoá gánh nặng này. Thiết kế theo dạng mô đun cho phép dễ dàng thay thế các bộ phận bị hư hỏng, cho phép người bảo trì có thể tìm kiếm bộ phận thay thế tại các hệ thống tương tự. Và các hệ thống không người lái có thể được “lưu kho” trong suốt thời bình, với chỉ một số lượng nhỏ được sử dụng trong huấn luyện, giống như tên lửa vậy. Trong một số trường hợp khi các hệ thống không người lái chỉ cần sử dụng trong thời chiến mà không cần trong thời bình, các đơn vị phối hợp giữa Vệ binh Quốc gia và lực lượng dự bị có thể là một sự lựa chọn bảo trì tiết kiệm chi phí về mặt nhân lực.

Một mô hình mới trong việc phân tích các lợi thế về chất lượng
Việc chế tạo một lượng lớn các hệ thống chi phí thấp không phải là để chiếm lĩnh trận địa với chất lượng vũ khí thua kém đối thủ. Thay vào đó, mục tiêu là nhằm chuyển ưu thế chất lượng – từ một đơn vị vũ khí đơn lẻ sang một nhóm lớn (hay bầy đàn – the swarm) các loại vũ khí chi phí thấp hơn. Về mặt tổng thể, nhóm vũ khí hay bầy đàn này hiệu quả hơn các lực lượng quân sự đối địch. Sau cùng thì mục đích tối thượng của tác chiến là tiêu diệt kẻ thù. Các hệ thống không người lái có thể mở ra tiềm năng lớn: tạo ra hoả lực tập trung trong một tập hợp lớn các đơn vị vũ khí mà về mặt từng đơn vị cấu thành có thể không tinh vi, nhưng lại có số lượng áp đảo. Các đơn vị nhỏ này cũng có thể có tính năng kém hơn, nhưng nếu kết hợp lại với nhau thì lại tạo nên sức mạnh áp đảo.

Khả năng phân tán như đã nói ở trên sẽ không thể được áp dụng trong mọi trường hợp. Các phương tiện chiến đấu to lớn (và đắt tiền) sẽ vẫn cần thiết trong một số tình huống. Tuy nhiên, các hệ thống tinh vi và mắc tiền chắc chắn vẫn sẽ được giao dịch với số lượng nhỏ, và bất cứ khi nào có thể được, các hệ thống vũ khí tinh vi này nên được kết hợp với các hệ thống vũ khí có chi phí thấp và số lượng lớn. Cả hai cách tiếp cận rẻ-và-nhiều hay mắc-nhưng-ít đều không phải lúc nào cũng có thể áp dụng được, và các lực lượng quân sự Hoa Kỳ nên cân nhắc kết hợp cả hai yếu tố trên nhằm tận dụng được những khả năng phù hợp – với một số lượng vũ khí phù hợp – trong các cuộc xung đột tương lai.



Paul Scharre là nghiên cứu viên và Giám đốc Sáng kiến 20YY Warfare (20YY Warfare Initiative) tại Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới (CNAS). Ông cũng là tác giả của báo cáo mới đây của CNAS, Robotics on the Battlefield Part II: The Coming Swarm. Ông là cựu quân nhân của Trung đoàn Biệt kích số 75 từng phục vụ tại Afghanistan và Iraq.
 
(Nguyễn Thảo Trường - http://Dienelectric.com theo NghiênCuuTheGioi/Paul Scharre, “Robots at war and the quality of quantity“, War on the Rocks, 26/02/2015)
Gọi điện thoại